29 Th4 2020

Tiếng gọi của Quê hương: Cuộc gặp gỡ giữa các hậu duệ trong gia đình nông dân

Nhiếp ảnh gia Eva Verbeeck và nhà làm phim Spencer MacDonald đã dành ba tuần để ghi lại cuộc sống của những người nông dân trẻ trên khắp Tây Bắc Thái Bình Dương. Trong bộ phim ngắn này, hãy nghe lý do tại sao những người nông dân bị lôi cuốn vào những công việc này.

29 Th4 2020

UBTVQH: Tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp 5 năm

UBTVQH: Tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp 5 năm
(PL)- Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp phải đứng trên ba góc độ: Thu cho ngân sách – thúc đẩy sản xuất – Nhà nước quản lý được.

Sáng 28-4, tiếp tục phiên họp thứ 44Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất (SDĐ) nông nghiệp.

Không giảm thu ngân sách, giúp nông dân vượt khó

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế SDĐ nông nghiệp đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 và nay đề nghị kéo dài đến năm 2025, thêm năm năm nữa. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay số thuế SDĐ nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỉ đồng/năm.

“Việc quy định miễn thuế SDĐ nông nghiệp không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi đã gia nhập WTO” – bộ trưởng Tài chính khẳng định. Theo ông, việc miễn thuế này cũng không làm giảm thu ngân sách nhà nước, do chính sách này đang được thực hiện trên thực tế.

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thường trực ủy ban này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDĐ nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.

Ông Hải nói đây là chính sách giúp giảm bớt khó khăn cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển… Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu hiện nay.

UBTVQH: Tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp 5 năm - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam!”. Ảnh: TTXVN

Không nên miễn thuế tràn lan

Nêu ý kiến, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách miễn thuế SDĐ nông nghiệp thời gian qua còn “sơ sài, không rõ tác động”.

Ông Phúc tính toán trong 20 năm thực hiện chính sách, bình quân mỗi năm miễn thuế SDĐ nông nghiệp khoảng 5.671 tỉ đồng. Với số tiền này, tờ trình của Chính phủ đánh giá là “giải pháp có tác động lớn, quan trọng” để khuyến khích tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp…

“Chỉ 5.671 tỉ đồng mà tác động ghê gớm như thế này, tôi đề nghị QH cho gấp đôi” – ông Phúc nói.

Tổng thư ký QH cho rằng cần đánh giá cả hai chiều, chứ không phải “cần cái gì thì báo cáo theo chiều hướng tích cực”. Đặt câu hỏi: “Người để đất bỏ hoang cũng được miễn thì như thế nào, có công bằng không?”, ông Phúc đề nghị phải có khảo sát, đánh giá cụ thể vấn đề này, không nên miễn thuế tràn lan.

1.651 tỉ đồng cấp cho Bộ GTVT được điều chỉnh, chuyển giao sang UBND TP Đà Nẵng để thực hiện dự án nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (TP Đà Nẵng).

Cũng trong sáng 28-4, Ủy ban Thường vụ QH đã biểu quyết như trên.

“Cứu cánh” cho nền kinh tế

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đối tượng, phạm vi miễn thuế không nên tràn lan. “Làm sao để chính sách này tác động tích cực, khuyến khích người dân SDĐ nông nghiệp có hiệu quả, không để lãng phí đất đai” – bà Ngân nói.

Tán thành với việc miễn thuế SDĐ nông nghiệp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn đối với ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân mỗi lúc gặp khó khăn như trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra khó lường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những khi khủng hoảng tài chính, dịch bệnh thì sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi những lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, vận tải bị đình trệ thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn phát triển. Khi dịch bệnh diễn ra ở Việt Nam thì nông dân đi làm việc xa nhà vẫn phải quay trở về quê hương gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng của mình để trồng trọt, sản xuất.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng chính sách miễn thuế nên nhìn ở ba góc độ gồm: Thu cho ngân sách – đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển – công cụ quản lý của Nhà nước. “Như vậy, nếu chỉ thu thì chính sách thuế như con vịt què. Chính sách thuế là con thiên nga chỉ khi nhìn ở ba góc độ” – ông Hiển ví von.

Từ đó, ông Hiển đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, đánh giá tác động, có tổng kết để báo cáo QH. Theo ông, đây là chính sách lớn, quan điểm lớn và sẽ được nhiều đại biểu QH quan tâm.

“Nếu trình ra hồ sơ sơ sài thì chúng ta sẽ bị phê bình, các đồng chí hết sức lưu ý” – ông Hiển nói.

Bỏ hoang đất nông nghiệp đang phổ biến

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp hiện đang diễn ra khá phổ biến. “Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, tôi về tiếp xúc cử tri ba huyện thì huyện nào cũng kêu tình trạng bỏ đất nông nghiệp nhiều lắm, rất nhiều” – ông dẫn chứng.

Ông liệt kê hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc bỏ hoang đất nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là dịch bệnh, nhất là dịch chuột, giá bán và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp rất khó khăn…

Đồng tình, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tới nguyên nhân đầu vào tăng, đầu ra bấp bênh khiến nông dân không yên tâm sản xuất. “Đừng đổ thừa việc miễn thuế này làm cho tình trạng bỏ đất hoang. Không phải đâu! Bỏ đất hoang có nhiều lý do lắm” – bà Ngân nói.

ĐỨC MINH
15 Th4 2020

Bảo tàng lúa gạo ở Malaysia

 Ảnh: Culture Trip
Nhìn từ xa, bảo tàng Paddy Museum tựa những kho thóc khổng lồ.

Được xây dựng trên khu đất thuộc cơ quan Phát triển Nông nghiệp Malaysia, khánh thành và khai trương ngày 12.10.2004; bảo tàng có 3 tầng với tổng diện tích 12.000 m2. Nhìn từ xa, bảo tàng tựa những kho thóc khổng lồ. Các họa tiết gạo là hoa văn chủ đạo trang trí mặt tiền bên ngoài và được sử dụng trên lan can trong nội thất. Bảo tàng giới thiệu quá trình sản xuất, trưng bày các giống lúa, các thiết bị và công cụ được sử dụng trong canh tác lúa qua nhiều thời đại và ở từng quốc gia khác nhau từ trước đến nay.

Bảo tàng lúa gạo Paddy ở Malaysia – Ảnh: TripAdvisor

Bước vào bảo tàng, cầu thang xoắn ốc trang trí giống bên trong hang động, dẫn lên tầng trên để xem phim tư liệu và thưởng ngọan toàn cảnh 360 độ những bức tranh tường cực kỳ sống động đến từng chi tiết, hơn cả 3D hiện đại. Các tuyệt tác đồng quê chân thực được thực hiện bởi 60 họa sĩ chuyên nghiệp đến từ Bắc Triều Tiên, sau cả tháng lao động cật lực.

Bù nhìn trên ruộng lúa trong bảo tàng.
Từ lan can cầu thang bên trong bảo tàng nhìn ra bức tranh tường ngỡ cánh đồng bất tận.

Có cảm giác như đang đứng giữa đồng quê trữ tình, bát ngát chứ không phải trong bảo tàng. Các khu vực trưng bày nông cụ, công cụ, vật dụng nhà nông phong phú. Hình tượng “bù nhìn” đuổi chim chóc” tạo không gian gần gũi của người nông dân trồng lúa mà nước nào cũng có. Những hình tượng “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và những nông cụ quen thuộc như gàu tát nước, xa nước; các dụng cụ cày, bừa, xới, gặt, đập, quạt tách lúa lép… gợi nhớ về bao công việc vất vả của nhà nông.

Với dân số chưa tới 33 triệu người, diện tích 329.847 km2. Malaysia chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu gạo. Số còn lại phải nhập khẩu nhưng có bảo tàng Lúa Gạo ấn tượng. Bang Kedah có diện tích 9.500 km2, dân số khoảng 2 triệu người, nổi tiếng với công viên Địa chất Toàn cầu Langkawi. Paddy Museum là điểm nhấn du lịch của bang. Theo tiếng Mã Lai, Kedah là “kho thóc”, chiếm 1/3 sản lượng lúa của Malaysia.

Những bức tranh tường sống động hơn tranh 3D do 60 nghệ sĩ Bắc Triều Tiên thực hiện

Nói về lúa gạo, Việt Nam được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, trước khi hình thành nước Việt Cổ, mấy ngàn năm TCN và hiện là nước xuất gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Theo sản lượng, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới; sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và trên Thái Lan, xếp thứ 6. Cây lúa còn được thể hiện trang trọng trên quốc huy Việt Nam, như quốc hoa không chính thức.

Gạo có mặt trong từng bữa ăn của người Việt. Ngoài hàng chục loại cơm còn có hàng trăm thực phẩm chế biến từ gạo. Người Việt khó mà sống nếu thiếu cơm, trừ khi ra nước ngoài, phải thích nghi với ẩm thực bản địa để tồn tại. Cơm còn được ví là vợ, nhân vật quan trọng nhất trong mỗi gia đình. Gạo ST25 Việt Nam vừa giành quán quân cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2019” lần thứ 11, trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ 10 – 13/11/2019.

Là cây lương thực quan trọng nhất nên thế giới có nhiều bảo tàng về lúa gạo. Năm 1970, bảo tàng Lúa gạo ở Goergetown, Nam Calorina (Mỹ) khai trương; nơi trưng bày, lưu giữ bộ sưu tập diorama, bản đồ, tranh vẽ, hiện vật và các triển lãm khác kể về lịch sử trồng lúa. Rộng nhất là bảo tàng Longping Rice, rộng 17.200m2 ở Hồ Nam, Trung Quốc; khai trương từ 2016. Yuan Longping, là nhà khoa học, nhà giáo dục nông nghiệp “cha đẻ của lúa lai”, tăng năng suất lúa, giúp Trung Quốc trở thành nước có sản lượng gạo đứng đầu thế giới, dù vẫn phải nhập khẩu gạo vì dân số quá đông.

Nhật Bản có bảo tàng Lúa Gạo ở Uwa, Seiyo, tỉnh Ehime; nối kết với các cánh đồng lúa. Hàn Quốc có bảo tàng Lúa Gạo ở Seoul. Bảo tàng Lúa Gạo Thái Lan ở quận Mueang Suphanburi, tỉnh Sunphanburi. Với tôi, ấn tượng nhất trong các bảo tàng Lúa Gạo là Paddy Museum (Paddy tiếng địa phương là Cây Lúa) ở Alor Setar, bang Kedah, Malaysia.

Văng vẳng bên tai câu ca dao nhắc nhở “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muốn phần”. Là dân Hái Lúa, sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, đứng giữa bảo Paddy Museum của Malaysia, nước đang phải nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tôi mơ ước quê mình có bảo tàng Lúa Gạo đúng nghĩa. Đó là nơi các nhà nông học và những nông dân bao đời dầm mưa dãi nắng, đãi ngọc cho đời; được ghi công trân trọng, thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt.

Mong ước này chưa biết bao giờ mới thành hiện thực?

Nguyễn Văn Mỹ – Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

02 Th4 2020

Khi “3 nhà” cùng liên kết

SGGP 

Dù đợt hạn mặn diễn ra phức tạp, nhưng nhiều nông dân ĐBSCL vẫn có nước ngọt để phục vụ sản xuất, thu hoạch và đầu ra đều ổn định. Có được điều này là nhờ triển khai giải pháp liên kết nhà nông, các chuyên gia và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, đưa công nghệ vào sản xuất,  hạn chế thiệt hại cho nông dân

Doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, đưa công nghệ vào sản xuất, hạn chế thiệt hại cho nông dân

Sản lượng chỉ giảm 20%

Trong bối cảnh hạn mặn diễn biến phức tạp, rất nhiều vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL không thể “trụ” được. Vậy nhưng, năng suất bưởi của HTX Bưởi da xanh VietGAP Giao Long (tỉnh Bến Tre) vẫn đạt chất lượng tốt. Đại diện HTX Bưởi da xanh VietGAP Giao Long cho hay, đó là nhờ HTX đã tham gia chương trình liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Hàng ngày, kỹ sư của Lộc Trời đều xuống hỗ trợ đo độ mặn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân trữ nước ngọt tưới cho cây. Khu vực trữ nước còn được tư vấn nuôi thêm bèo, lục bình để giảm độ mặn… Nhờ vậy, dù thời tiết không thuận lợi nhưng thu hoạch vụ này của HTX vẫn ổn định.

Nông dân Nguyễn Văn Tòng (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, nhờ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, vườn sầu riêng nhà anh thường xuyên được các kỹ sư nông nghiệp của công ty đến đo hạn mặn và hỗ trợ giải pháp xử lý. Các kỹ sư cũng theo dõi tình hình phát triển của cây, ngắt bỏ những trái không có khả năng phát triển, thậm chí tỉa bớt cành để dinh dưỡng tập trung vào những cành khác. Tính cho đến thời điểm hiện tại, vườn sầu riêng chỉ thu hoạch được 70%-80% so với mùa vụ thông thường, nhưng đã là quá thành công, bởi những vườn sầu riêng khác đang trong tình trạng thất thu vì đất nhiễm mặn.

Một mô hình liên kết khác cũng rất thành công tại ĐBSCL, đó là mô hình liên kết tay ba: doanh nghiệp – các nhà khoa học – nông dân. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang) đã rất thành công khi đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả lợi nhuận cho bà con nông dân. Với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông đã nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân nhiều ứng dụng hiện đại, như: công nghệ điện toán đám mây, ứng dụng để quản lý và phân phối nước trong sản xuất; lắp đặt các trạm quan trắc môi trường nước tự động và ống cảm biến ướt khô xen kẽ… Hay giải pháp kết hợp thông số quan trắc mực nước, ống canh tác ướt khô xen kẽ và trạm điều khiển bơm… giúp cung cấp nước ngọt vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa, giúp giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động nhằm tiết kiệm nước, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa.

Trong suốt vụ sản xuất, kỹ sư Công ty Phân bón Bình Điền thường xuyên kiểm tra, tư vấn cho nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình “Canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn”, như làm đất, quy trình bón phân, quản lý nước phòng trừ sâu bệnh… Chương trình liên kết này đang được  Công ty Phân bón Bình Điền triển khai rộng khắp các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh để cùng nhau thực hiện thêm mô hình canh tác lúa thông minh.

Phát triển theo thuận thiên

Hạn mặn là một vấn đề phức tạp, cần có nhiều giải pháp mà địa phương, doanh nghiệp phải triển khai đồng bộ mới có thể hỗ trợ tốt cho nông dân. PGS-TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) chia sẻ, trong đợt hạn mặn lịch sử này, Tập đoàn Lộc Trời đã tăng cường kỹ sư thường xuyên khảo sát các vườn trồng để hướng dẫn canh tác, bón phân phù hợp tránh lãng phí; bảo vệ môi trường nhưng vẫn đạt năng suất, chất lượng cao. Định kỳ hàng ngày, các kỹ sư đo độ pH, độ mặn, ô nhiễm của nguồn nước xung quanh khu vực để thông tin cho người dân trữ nước, tưới tiêu tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất. Song song đó, hướng dẫn nông dân xuống giống né mặn, cơ cấu lại hệ thống luân canh cây trồng phù hợp, trồng các giống chịu mặn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với vùng sinh thái nhiễm mặn. Giảm ảnh hưởng tác hại của hạn mặn bằng các chế phẩm hữu cơ sinh học, giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ, bổ sung hệ vi sinh vật đất, phục hồi cấu trúc đất…

Với tình hình hạn mặn còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nông nghiệp, nhận định: “Dù nông dân cần cù lao động, có độ nhạy bén về tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng không thể tăng năng suất, chất lượng theo sản xuất kinh nghiệm truyền thống trước nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Cách làm hiệu quả: nông dân cần liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học kết nối thị trường, từ nền nông nghiệp sản xuất sang nền nông nghiệp kinh doanh gắn với yếu tố thị trường và yêu cầu nông dân phải nắm bắt thông tin thị trường. Về lâu dài, nông dân cần có chiến lược sản xuất thuận thiên với môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững, giảm vụ thâm canh, chuyển sang canh tác mặn ngọt theo nhịp của tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực”.
Có thể thấy, hiểu được và tôn trọng quy luật tự nhiên sẽ đỡ loay hoay chống mặn, chống lũ. Và khi “3 nhà” bắt tay nhau, chúng ta có thể gặt hái được nhiều lợi thế hơn trong sản xuất nông nghiệp, vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

THANH HẢI

error: Content is protected !!
Hotline: 0988 73 75 77